Trên bước đường hành đạo Thảo Đường

Bị bắt làm nô bộc

Năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc, thì trong số những tù nhân bắt được trong chiến cuộc ấy, có một thiền sư người Trung Quốc, nhưng chẳng ai biết đó là thiền sư.

Khi về tới kinh đô Thăng Long, nhà vua chia số tù nhân bắt được cho các quan để làm người phục dịch. Tình cờ vị sư ấy được chia cho một người tăng lục, chuyên coi việc tăng sự tại triều.

Một hôm, trong lúc viên tăng lục đi vắng, vị sư trong thân phận nô bộc kia, lật xem thử những bản ngữ lục Thiền học chép tay để trên bàn của chủ. Thấy trong bản chép có nhiều chỗ sai quá, nhà sư bèn cầm bút sửa chữa. Khi vị tăng lục về, khám phá ra, rất lấy làm ngạc nhiên, bèn đem chuyện tâu lên vua. Vua Lý Thánh Tông cho vời tên nô bộc kỳ lạ ấy lên hỏi, thì biết đó là thiền sư tên là Thảo Ðường ở Trung Quốc, nhân đi qua Chiêm Thành truyền giáo mà bị bắt.

Trở thành Quốc sư, lập ra thiền phái mới

Qua trao đổi, vua Lý Thánh Tông thấy thiền sư Thảo Đường là người "có đức hạnh, lại tinh thông Phật điển, bèn bái làm thầy" [1] và phong làm Quốc sư (1069)[2], mời đến trụ trì tại chùa Khai Quốc (chùa Trấn Quốc ngày nay) tại kinh thành Thăng Long.

Bởi thiền học của Quốc sư có những nét mới lạ so với hai thiền phái đương thời là Tỳ-ni-đa-lưu-chiVô Ngôn Thông, nên một thiền phái nữa được thành lập, lấy tên là thiền phái Thảo Ðường.

Theo tài liệu thì thiền sư Thảo Đường là đệ tử của thiền sư Trùng Hiển (980-1052, thuộc về thế hệ thứ 4 của thiền phái Vân Môn, sau được vua Tống ban hiệu là Minh Giác đại sư)[3] ở núi Tuyết Đậu (Chiết Giang, Trung Quốc). Mà Vân Môn và Tuyết Ðậu (hiệu Minh Giác đại sư) đều là thiền sư bác học và có khuynh hướng văn học. Cả hai người đều nhằm tới hoằng dương Thiền học trong giới trí thức, đưa giới Nho gia đến gần với đạo Phật và trở nên Phật tử. Chính khuynh hướng Nho-Phật dung hợp này đã thống trị tư tưởng Trung Quốc trong buổi đầu nhà Tống. Và đặc điểm này đã làm ảnh hưởng nhiều tới Phật giáo đời TrầnViệt Nam [4]

Theo sách Thiền sư Việt Nam, đến 50 tuổi, thiền sư Thảo Đường có chút bệnh, ngồi kiết già mà tịch [5].